Tiếng thơm về trà Thái Nguyên không chỉ trong nước biết đến mà đã được nhiều khách hàng lớn trên thế giới tìm đến ngày càng nhiều. Chính vì thế, trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng để phát triển cây chè cả về diện tích, năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường trong và ngoài nước.
Thái Nguyên là vùng đất trung du nửa đồng nửa núi với con sông Cầu, sông Công thơ mộng uốn lượn chảy quanh. Thái Nguyên còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khí hậu trong lành mát mẻ và điều kiện địa hình có nhiều đồi đất, độ dốc thấp rất phù hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển.
Mảnh đất Thái Nguyên là nơi "Thiên thời, địa lợi" để những đồi chè xanh mướt, sinh trưởng và phát triển. |
Ngược dòng lịch sử chúng ta cùng tìm về khởi nguồn của cây chè Thái Nguyên. Theo truyền ngôn kể lại thì khoảng những năm đầu thế kỷ 20, vùng đất Tân Cương còn hoang vu, rậm rạp. Dân khai phá núi đồi quanh năm để trồng cấy nhưng cuộc sống vẫn khó khăn cơ cực. Thương cuộc sống khốn khó của dân chúng, cụ Nghè Sổ tên thật là Nguyễn Đình Tuân, Tuần phủ Thái Nguyên từ năm 1918 đã gợi ý cho dân làng Tân Cương đem giống chè từ Phú Thọ về trồng. Đó chính là giống chè Trung du còn được duy trì đến ngày nay. Từ những cây chè đầu tiên, trải qua thời gian, nhiều vườn chè đã được mọc lên ở vùng Tân Cương. Năm 1925, cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt sinh năm 1883, mất năm Ất Dậu (1945), làm Tiên chỉ của làng Tân Cương đã mở xưởng chế biến chè, rồi vươn ra tỉnh lỵ Thái Nguyên mở hiệu bán chè, đặt địa chỉ giao dịch tại 3 kỳ trong nước. Năm 1935, cụ Đội Năm đã mang chè đi thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đoạt giải nhất. Một số thương gia ở Ấn Độ đã nhập hàng chục tấn chè Tân Cương. Từ đó đến nay, nhân dân Tân Cương suy tôn cụ là ông Tổ làng chè Tân Cương.
Không chỉ bó hẹp trong vùng Tân Cương, cây chè đã bén rễ thích nghi ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mỗi vùng đất, tuy đều cùng là giống chè Trung du song do điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên đã đem lại cho sản phẩm trà Thái nói chung rất nhiều hương vị đặc trưng riêng có. Điển hình như Tứ đại danh trà Thái Nguyên gồm: Trà Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có hương cốm thơm tự nhiên, đậm đà bởi vị ngọt chát thanh tao; Trà La Bằng, huyện Đại Từ lại có một màu mật ong vàng óng, uống vào có mùi thơm đặc trưng, nuốt ngụm nước, chép miệng, thấy vị ngọt thanh tao, sảng khoái; Trà Trại Cài, huyện Đồng Hỷ có vị đậm đà và ngọt hậu; Trà Khe Cốc, xã Tức Tranh huyện Phú Lương lại có vị nồng, đượm.
Mấy chục năm qua, cây chè Trung du đã khẳng định được chất lượng và hiệu quả ở đất Thái. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu thị hiếu thưởng trà của người dân cũng có những thay đổi. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, các sản phẩm trà được chế biến từ giống chè mới như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1...đã dần chiếm lĩnh thị trường. Nắm bắt được xu thế tất yếu này, từ năm 2001, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Dự án chè thay thế dần giống chè Trung du bằng các giống chè mới. Tính đến thời điểm này đã có trên 7000 ha chè giống mới được trồng mới, trồng thay thế đạt tỷ lệ 40,2% trong tổng số 18.665 ha chè toàn tỉnh.
Cùng với việc thay đổi cơ cấu giống chè mới, các vùng chè trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu quan tâm tới các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm trà cũng như an toàn trong quy trình sản xuất nông nghiệp. Hiện Thái Nguyên đã và đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao: Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp GAP, từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng; Gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận trong nước và quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP, Uzt Certified… Điển hình như HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên) đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified; Công ty CP chè Vạn Tài, các hộ dân tại xóm Hồng Thái (xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên), Xóm Làng Chủng xã Trung Hội, xóm Hương Hội xã Sơn Phú huyện Định Hóa đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global Gap trên cây chè.... Xu hướng sản xuất chè sạch theo đang được đông đào người làm chè Thái Nguyên hưởng ứng và vận dụng có hiệu quả trên các vùng chè tập trung. Hiện nay, các sở, ban, ngành của Thái Nguyên đang tích cực phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất chế biến chè; đồng thời, tăng cường hỗ trợ bà con sản xuất chè theo quy trình sản xuất chè an toàn Viet GAP, tạo cơ hội nâng cao giá trị thu nhập của cây chè cho người nông dân.
Đặc biệt, hiện nay tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên. Các cơ quan chức năng đã cấp 430 giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên cho các doanh nghiệp, hộ gia đình qua đó giúp cho sản phẩm trà Thái Nguyên khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường và mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Với diện tích trồng chè 18.665 ha, sản lượng chè của Thái Nguyên khoảng 185.000 tấn, trong đó xuất khẩu 7.200 tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế biết đến với các sản phẩm trà xanh đặc sản, trà xanh cao cấp ướp hương đóng gói, đóng hộp và trà đen. Điểm đặc biệt sau thành công của Liên hoan trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất năm 2011, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã và các làng nghề đã nghiên cứu đưa ra thị trường hàng trăm loại sản phẩm chè khác nhau dành cho các đối tượng khách hàng. Từ sản phẩm trà bình dân đến trà cao cấp, từ sản phẩm trà tiêu dùng đến sản phẩm trà phục vụ du lịch, nghệ thuật. Sản phẩm trà của Thái Nguyên đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và ở các nước Trung Quốc, Pakistan, Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Srilanca…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét